Paulo Coelho, tác giả của cuốn Nhà giả kim, sinh năm 1947 tại Rio de Janeiro, Brazil, 40 tuổi mới bắt đầu viết và xuất bản cuốn sách đầu tiên. Ngoài Nhà giả kim, Paulo Coelho viết khoảng trên 20 cuốn sách và đã có đến 86 triệu bản được phát hành tại 150 quốc gia. Mình chọn cuốn Like the flowing River (Tạm dịch: Như dòng sông đang chảy) của ông để dịch dần trong lúc trà dư tửu hậu, một phần thỏa mãn sự đam mê với câu chữ, một phần muốn giới thiệu với các bạn đọc một tuyển tập truyện ngắn rất hay, chứa đầy nhân sinh quan tươi đẹp của ông (Kiểu như cuốn Sống đẹp của Lâm Ngữ Đường mà cụ Nguyễn Hiến Lê dịch).

Câu chuyện số 1: Một ngày ở nhà máy

Ducle biên dịch từ tác phẩm Like the flowing river của tác giả Paulo Coelho

Bản Audio Book của câu chuyện này

https://youtu.be/AKhNTovgDQg

Hiện tại, cuộc sống của tôi như một bản giao hưởng gồm có ba chương khác nhau: Chương 1 “Rất nhiều người”; Chương 2 “Một vài người” và Chương 3 “Hầu như không có ai”. Mỗi một chương có thể kéo dài khoảng 4 tháng một năm mặc dù có những tháng có đủ mỗi chương một ít nhưng không bao giờ bị trùng lắp lên nhau.

“Rất nhiều người” là khi tôi tiếp xúc với công chúng, với các nhà xuất bản và cánh nhà báo. “Một vài người” là khi tôi quay trở lại Brazil, gặp lại những người bạn cũ, đi dọc bờ biển Copacabana, tham gia các sự kiện xã hội đột xuất nhưng đa số là ở nhà.

Và giờ đây tôi muốn chia sẻ nhiều hơn về chương “Hầu như không có ai” trong bản giao hưởng cuộc đời tôi.

Ngay lúc này đây, màn đêm đang buông xuống ngôi làng Pyrenean với 200 dân cư sinh sống, những người mà tôi không muốn tiết lộ danh tính của họ và cũng là nơi mà tôi đã mua lại một nhà máy chuyển đổi công năng sử dụng cách đây ít lâu. Mỗi buổi sáng, tôi thức dậy khi gà gáy, sau đó tôi dùng bữa sáng và đi dạo quanh những đàn cừu, đàn bò, những ruộng ngô và đồng cỏ. Tôi chăm chú nhìn những dãy núi và không giống như trong Chương “Rất nhiều người”, lúc này tôi không bao giờ nghĩ mình là ai. Tôi không tự hỏi và cũng không đi tìm câu trả lời; thay vì vậy tôi sống trọn vẹn trong khoảnh khắc thực tại lúc ấy, biết rằng một năm có bốn mùa (Một sự thật hiển nhiên nhưng đôi khi chúng ta lại quên mất).

Hiện tại, tôi không quan tâm nhiều đến những gì đang diễn ra ở Iraq hoặc Afghanistan: giống như bất kỳ người nào đang sống ở trong đất nước này, tin tức quan trọng nhất lúc này là dự báo thời tiết. Người dân sống trong ngôi làng này biết khi nào thì trời mưa, khi nào thì trời trở gió và khi nào thì trời lạnh bởi vì những thứ này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, cây trồng và mùa màng của họ. Tôi gặp một người nông dân đang gieo trồng trên ruộng lúa, chúng tôi chào và chúc nhau buổi sáng tốt lành, nói chuyện với nhau về thời tiết và sau đó ai làm việc của người đó – người nông dân tiếp tục gieo trồng và tôi tiếp tục tản bộ.

Tôi về nhà, kiểm tra hộp thư và có một tờ báo địa phương trong hộp thư: Một buổi khiêu vũ ở làng bên; một bài giảng trong quán bar ở Tarbes – một thành phố lớn với 40,000 cư dân gần đó; đêm qua đội cứu hỏa đã phải làm việc sau khi có một đám cháy bắt nguồn từ một chiếc thùng rác. Chủ đề đang được bàn tán xôn xao trên số báo địa phương trong vùng lúc này là một nhóm người được cho là phải chịu trách nhiệm chính trong việc đốn hạ hàng cây tiêu huyền (hay còn gọi là cây chò nước) được trồng dọc đường làng bởi vì theo họ hàng cây này gây nguy hiểm và đã gây ra tai nạn chết người cho những người đi xe máy. Bài báo này chiếm trọn cả trang báo và có một vài bài báo đưa ra thông tin “úp mở” về những “nhóm bí mật” đang muốn “báo thù” cho cái chết của những tay đua bằng cách đốn hạ hàng cây.

Tôi nằm thư thái bên bờ con suối nhỏ chảy vắt ngang qua nhà máy và nhìn lên bầu trời trong xanh không một gợn mây của mùa hè khắc nghiệt năm nay, mùa hè mà sức nóng của nó đã làm 5,000 người ở Pháp thiệt mạng. Hàng ngày tôi dậy sớm, đi dạo và tập Kyudo trong một tiếng, một hình thức thiền bằng cách bắn cung. Và bây giờ là buổi trưa; Tôi ăn nhẹ và sau đó bước vào một trong những căn phòng khác của tòa nhà cũ kỹ này. Đột nhiên tôi chú ý đến một thứ kỳ lạ với màn hình và bàn phím được kết nối tốc độ cao, hay còn gọi là kết nối DSL. Tôi biết rằng vào thời khắc này chỉ cần tôi bấm nút trên cỗ máy đó, cả thế giới sẽ hiện ra trước mắt tôi.

Tôi cố gắng chịu đựng không bấm nút cỗ máy đó nhưng rồi rốt cục cũng không chịu được. Ngón tay của tôi chạm vào nút khởi động và tôi lại trở lại với thế giới: Báo chí Brazil; sách vở, những cuộc phỏng vấn; tin tức về Iraq, Afghanistan, những đề xuất, tờ lưu ý về vé máy bay của tôi sẽ tới vào ngày mai, những quyết định đã hoãn và những quyết định đã được thực hiện.

Tôi làm việc trong nhiều giờ liên tiếp bởi vì đó là sự lựa chọn của tôi, bởi đó là sứ mệnh của tôi và cũng bởi đó cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ của tôi. Nhưng trong suốt chương “Hầu như không có ai”, mọi thứ trên màn hình máy tính dường như biến mất.

Mặt trời đang lặn. Tôi tắt máy tính và thế giới của tôi quay trở lại với không khí đồng quê đượm mùi thơm của cỏ cây, tiếng bò rống, tiếng gọi cừu của người chăn cừu xua đàn cừu về chuồng cạnh nhà máy.

Tôi tự hỏi làm thế nào tôi có thể thoát ra khỏi hai thế giới khác biệt như vậy trong cùng một ngày. Tôi không tìm thấy câu trả lời nhưng tôi biết chắc chắn rằng tôi đang cảm thấy thư thái, vui vẻ và hạnh phúc trong khi viết những dòng này.

Lê Anh Đức biên dịch