Truyện ngắn A, B, C, D…

Lê Anh Đức dịch và phóng tác từ tập truyện ngắn Like the Flowing River của nhà văn Paulo Coelho (Tác giả Nhà giả kim)

Bản Audio clip với giọng đọc của Phát thanh viên VOV Phạm Nguyễn Sơn Tùng

“Đức tin vẫn còn đọng lại trong trái tim mỗi con người,” vị linh mục tự nhủ với chính mình khi thấy nhà thờ của ông chật ních những người công nhân lao động đến từ một trong những vùng nghèo nhất của Rio de Janeiro, tất cả đều đang tập trung vào đêm nay với một mục đích duy nhất: cử hành Thánh lễ Giáng sinh.

Ông cảm thấy rất hài lòng và với một sự thành kính cao độ, vị linh mục chậm rãi bước đến trước tượng thờ Chúa. Bất chợt, ông nghe thấy một giọng nói vang lên: “A, B, C, D …”

Giọng nói nghe như giọng một đứa trẻ và nó phá hỏng sự trang nghiêm của buổi lễ. Những người xung quanh đổ dồn ánh nhìn về phía tiếng nói và cảm thấy khó chịu.

Nhưng giọng nói vẫn tiếp tục  vang lên: “A, B, C, D …”

“Hãy dừng lại ngay” vị linh mục hơi lớn giọng.

Đứa trẻ dường như bừng tỉnh. Nó sợ hãi liếc nhìn những người xung quanh và đỏ bừng mặt vì xấu hổ.

“Con đang làm gì vậy? Con không thấy rằng mình đang làm ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của buổi lễ sao?”

Đứa trẻ cúi đầu, nước mắt lăn dài trên má.

“Mẹ con ở đâu? Bà không dạy con cách cử hành theo Thánh lễ sao?” Vị linh mục hỏi

Vẫn cúi đầu, đứa trẻ trả lời:

“Con xin lỗi đức cha, nhưng con chưa bao giờ được dạy cách cầu nguyện. Con lớn lên trên đường phố, không cha không mẹ. Hôm nay là đêm Giáng sinh, và con cảm thấy mình cần phải nói chuyện với Chúa. Vì con không biết Ngài nói ngôn ngữ gì, nên con chỉ biết mỗi cách lặp lại các ký tự của bảng chữ cái mà con biết. Con nghĩ rằng, ở trên đó, với quyền năng tối thượng, Ngài có thể kết hợp các chữ cái lại với nhau để tạo ra những từ và câu chúc phúc đẹp đến Ngài”

Đứa trẻ đứng dậy và khẽ khàng nói với vị linh mục:

“Thưa cha, con sẽ đi, con không muốn làm ảnh hưởng đến những người đang cử hành thánh lễ ở đây, họ biết cách cầu nguyện đúng với Chúa”

 “Hãy đi theo cha,” vị linh mục nói.

Ông dắt tay đứa trẻ lên gần tượng thờ và nói với hội chúng đang cử hành thánh lễ phía dưới:

 “Tối nay, trước Thánh lễ, tất cả chúng ta sẽ đọc một lời cầu nguyện đặc biệt. Chúng ta hãy để Chúa viết lại những gì Ngài muốn nghe. Mỗi chữ cái mà chúng ta sắp đọc dưới đây sẽ tương ứng với một khoảng thời gian trong năm qua chúng ta đã cố gắng để làm được một việc tốt, đã không ngừng dũng cảm đấu tranh để biến những ước mơ thành hiện thực hay đơn giản là để nói một lời cầu nguyện không lời trong tâm. Và chúng ta sẽ cầu xin Ngài sắp xếp các chữ cái trong đó của chúng ta theo thứ tự. Chúng ta hy vọng rằng với những chữ cái này, Ngài sẽ tạo ra các từ và câu chúc phúc tốt lành nhất đến Ngài” Với đôi mắt nhắm lại, vị linh mục bắt đầu đọc thuộc lòng bảng chữ cái, tiếp theo đó cả hội chúng trong thánh đường đều vang lên:  “A, B, C, D…”

Lê Anh Đức dịch và phóng tác

Praha năm 1981

Câu chuyện số 2: Praha năm 1981

Ducle biên dịch từ tác phẩm Like the flowing river của tác giả Paulo Coelho, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Nhà giả kim

Bản Audio book của câu chuyện này:

https://youtu.be/CN4R9WWPibM

Một lần vào mùa đông năm 1981, khi tôi đang đi dạo với vợ trên đường phố Praha, chúng tôi bất chợt gặp một người họa sĩ đang ngồi say mê vẽ những tòa nhà xung quanh anh ta. Mặc dù tôi rất ghét mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh khi đi du lịch (và thực tế chúng tôi còn tiếp tục những chặng hành trình dài sau Praha), nhưng tôi thực sự thích một bức tranh anh ta vẽ và quyết định mua nó.

Khi tôi đang lấy tiền để chuẩn bị trả cho bức tranh, tôi để ý thấy người họa sĩ không đeo găng tay trong tiết trời rất lạnh, nhiệt độ xuống dưới -5 độ C.

Tôi mới hỏi anh ta “Tại sao anh không mang găng tay vậy?”

Anh ta đáp “Để tôi có thể cầm được bút chì”

Và người họa sĩ bắt đầu nói chuyện nhiều hơn với tôi về Praha, về tình yêu của anh dành cho thành phố cổ kính này trong những ngày mùa đông, anh cũng cho biết thêm rằng Praha vốn đẹp nhất để vẽ trong mùa đông. Anh vui vẻ và hài lòng với việc bán bức tranh đó cho tôi và anh quyết định vẽ tặng vợ tôi một bức tranh chân dung.

Trong khi ngồi chờ người họa sĩ vẽ bức chân dung, tôi chợt nhận thấy có một điều khác lạ đang xảy ra ngay lúc này đây. Đó là chúng tôi hoàn toàn nói chuyện với nhau trong hơn 5 phút qua bằng ngôn ngữ của riêng chúng tôi! Chúng tôi hiểu ý nhau qua các cử chỉ, hành động, biểu cảm khuôn mặt và mong muốn được chia sẻ một điều gì đó, mặc dù tôi nói tiếng Bồ Đào Nha còn anh ta nói tiếng Tiệp.

Khi có một mong ước đơn giản là muốn chia sẻ một điều gì đó, chúng ta sẽ thấy được mình đi vào thế giới của ngôn ngữ một cách tự nhiên, mà không có bất kỳ một rào cản nào cả. Ở đó, mọi thứ đều trở nên rõ ràng và yên tâm là không bao giờ bị hiểu nhầm!

Mr. Đức Lê biên dịch

Cung Đạo

Tác giả: Paulo Coelho

Lê Anh Đức phỏng dịch từ nguyên tác The Way of the Bow

Tetsuya là một tay cung cự phách trong thành phố rất nhiều năm về trước. Đã lâu rồi người ta không còn thấy ông.

Một hôm có người thanh niên lạ mặt xuất hiện tại thành phố và nói với một cậu bé đứng bên hiên nhà

“Tetsuya ư, không ai trong thành phố này đã từng thấy Tetsuya cầm một cây cung, ở đây người ta chỉ biết ông ta là một người thợ mộc. Có thể ông ta đã giải nghệ hoặc cũng có thể ông ta đã đánh mất sự can đảm, điều ấy không quan trọng đối với tôi, nhưng ông ta không thể được xem là một người bắn cung giỏi nhất nếu ông ta từ bỏ chính đam mê này của mình. Đấy là lý do tại sao tôi có mặt ở đây vừa để thử thách ông ta và cũng để đánh dấu chấm hết cho tiếng tăm mà ông ta không xứng đáng có được”

Cậu bé trầm ngâm và thấy rằng không có gì để bàn cãi nữa và cách tốt nhất là đưa người này đến cửa hàng của ông thợ mộc Tetsuya. Trăm nghe không bằng một thấy!

Cả hai đến xưởng mộc, khi ấy Tetsuya đang lúi húi sau nhà. Ông quay lại để thấy ai đang đến, và nụ cười của ông tắt ngay khi ông nhìn thấy chiếc túi dài mà người lạ mặt đang mang trên lưng. Đó là túi đựng cung tên!

Người lạ mặt mở lời với Tetsuya “Đúng như ông nghĩ, đây là bộ cung tên. Tôi không đến đây để hạ nhục hay khiêu khích một người đã trở thành một huyền thoại như ông. Tôi đến đây chỉ đơn giản chứng tỏ rằng, sau tất cả những năm luyện tập, tôi đã có thể đạt đến cảnh giới tối thượng của việc bắn cung”

Tetsuya dường như không quá quan tâm đến lời nói của người mới đến, ông vẫn lúi húi tập trung trong công việc mình đang làm, ông đặt những cái chân bàn vào vị trí để ghép mộng.

Người thanh niên tiếp tục nói “Một người được coi là bậc thầy bắn cung, đã là hình tượng cho nhiều thế hệ như ông không thể cứ lặng lẽ biến mất khỏi cuộc đời như ông đang làm. Tôi đã luyện tập nhiều năm theo chỉ dạy của ông, tôi đã trân trọng cây cung, mũi tên như những người bạn của mình, tôi nghĩ mình hoàn toàn xứng đáng để trình diễn nghệ thuật bắn cung của mình cho ông xem. Nếu ông xem tôi xạ tiễn một lần, sau đó tôi sẽ bỏ đi và sẽ chẳng bao giờ nói cho bất cứ ai biết nơi tôi đã tìm ra bậc thầy vĩ đại nhất của các bậc thầy”

Nói xong, không chờ Tetsuya đồng ý, người lạ mặt rút từ túi ra một cây cung dài làm từ tre đánh bóng. Anh ta cúi người, xá một xá trước Tetsuya, sau đó đi ra ngoài vườn và cúi đầu một lần nữa trước nơi chuẩn bị xạ tiễn. Anh rút ra một mũi tên gắn lông chim ưng, đôi chân đứng thế tấn vững chắc trên mặt đất, để có một tư thế mạnh mẽ cho bắn cung, và một tay cầm cây cung trước mặt, trong khi với tay kia đặt mũi tên vào vị trí.

Cậu bé lặng nhìn với lòng lẫn lộn vui sướng và ngạc nhiên. Tetsuya cũng ngưng làm việc và quay sang nhìn người lạ mặt với một ít tò mò.

Khi mũi tên vừa vặn với dây cung, người lạ mặt đưa cây cung lên vừa đúng ngay giữa ngực. Anh ta đưa lên phía trên đầu, và hạ thấp chậm rãi đôi tay thêm một lần nữa, và bắt đầu kéo dây cung ra phía sau.

Đúng vào lúc mũi tên đang ở ngang mặt, cây cung được giương lên hoàn toàn. Một khoảnh khắc dường như đến tận cùng của thời gian, xạ thủ và cây cung duy trì một tư thế tĩnh lặng hoàn toàn. Cậu bé đang nhìn vị trí nơi mũi tên đang hướng đến, nhưng chẳng thấy gì cả.

Đột nhiên, bàn tay trên dây cung mở ra, và cánh tay kéo về phía sau, cây cung trên tay vẽ nên một vòng cung tuyệt đẹp, và mũi tên biến mất từ lúc đó và chỉ xuất hiện lại trong một khoảng cách phía xa.

‘Hãy đi tìm nó,’ Tetsuya nói.

Cậu bé đi và trở lại với mũi tên: nó xuyên qua một quả cherry mà cậu ta tìm thấy trên mặt đất, bốn mươi thước đằng xa!

Tetsuya lặng lẽ vái chào người xạ thủ, và đi vào một góc phòng làm việc, và cầm lên món gì đấy giống như một thanh gỗ dài, được uốn cong tinh xảo và gói trong một miếng vải đã lâu ngày. Ông từ từ mở gói vải và để lộ ra một cây cung tương tự như cây cung của người lạ mặt, có điều dấu ấn thời gian đã hằn sâu trên cây cung.

‘Tôi không có một mũi tên nào, vì thế tôi sẽ mượn một mũi tên của anh. Tôi sẽ làm như anh đã yêu cầu, nhưng anh phải giữ lời hứa mà ông đã nói, không bao giờ tiết lộ tên ngôi làng nơi tôi ở. Nếu có bất cứ một người nào hỏi anh về tôi, hãy nói rằng, anh đã đến tận cùng của trái đất cố gắng để tìm kiếm tôi và cuối cùng đã học được, rằng, tôi đã bị một con rắn cắn và đã chết hai ngày sau đó.’

Người lạ mặt gật đầu và đưa cho Tetsuya một trong những mũi tên của anh.

Tựa một đầu của cây cung tre dài vào tường và ấn thật mạnh xuống, Tetsuya kéo căng dây cung. Không nói một lời, ông bước đi hướng về phía núi.

Người lạ mặt và cậu bé đi theo ông. Họ bước đi một giờ đồng hồ trong lặng lẽ, cho đến khi gặp một lằn nứt rộng giữa hai tảng đá, khoảng nứt rộng cỡ một con sông nhỏ, và sâu như vực thẳm, phía dưới nước cuồn cuộn chảy. Họ chỉ có thể vượt qua phía bên kia bằng một cây cầu dây treo đã nhuốm màu thời gian và gần như đã đến thời điểm mục rã.

Hoàn toàn yên lặng, Tetsuya bước đến giữa cây cầu, đu đưa một cách đáng sợ, ông vái chào điều gì phía bên kia, chuẩn bị cung tên giống như người lạ mặt đã làm, đưa cung lên, để trở lại ngang với ngực và buông dây cung.

Cậu bé và người lạ mặt thấy một quả lê chín, khoảng hai mươi thước đằng xa, đã bị mũi tên xuyên qua.

“Anh bắn xuyên một trái cherry, tôi bắn xuyên một quả lê,’ Tetsuya nói và trở lại nơi an toàn của bờ đá. ‘Trái cherry nhỏ hơn. Anh bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách bốn mươi thước, khoảng cách của tôi chỉ bằng phân nửa. Vì thế, anh có thể lập lại điều tôi vừa làm. Đứng đó ở giữa cây cầu treo và làm như tôi đã làm”

Người thanh niên lạ mặt toát mồ hôi tay, anh ta hướng đến giữa cây cầu đu đưa mục nát, bất an bởi vực thẳm thẳng đứng phía bên dưới chân mình. Anh ta biểu diễn cùng cử chỉ động tác của Tetsuya và bắn về phía cây lê nhưng mũi tên đã trượt qua khoảng không!

Khi trở lại bờ đá, mặt anh ta nhợt nhạt như xác chết.

Tetsuya nói rằng: “Anh có kỹ thuật, khí chất và tư thế, anh nắm được kỹ thuật tốt và đã điều khiển được cây cung, nhưng anh đã không thể điều khiển tâm của mình. Anh biết làm thế nào để buông cung khi tất cả những tình thế đã thích hợp, nhưng nếu anh đang đứng trên một nơi gập ghềnh hiểm trở, anh không thể bắn trúng mục tiêu. Người xạ thủ không thể luôn luôn chọn được chiến trường vừa ý, vì thế hãy tiếp tục tập luyện và chuẩn bị cho những tình thế không thích hợp. Tiếp tục trong con đường của cây cung (cung đạo), đường đi của mũi tên, vì nó là hành trình của cả cuộc đời, nhưng hãy nhớ rằng một người xạ thủ với sự bình yên trong tâm hồn sẽ có sự khác biệt rất lớn trong độ chính xác và tính hoàn hảo của đường đi và đích đến của một mũi tên”

Người thanh niên vái chào Tetsuya một lần nữa thật sâu, đặt lại cung tên của anh ta trong túi dài, mang chúng trên vai, và bước đi.

Trên đường trở về, cậu bé đắc chí hả hê.

“Tetsuya, ông đã chỉ cho người ấy thấy! Ông là người tuyệt vời nhất!”

“Chúng ta chẳng bao giờ nên phán đoán kẻ khác mà không học hỏi để lắng nghe và tôn trọng họ trước tiên. Anh chàng này là một người tốt; anh ta không hạ nhục ta hay cố gắng để chứng tỏ anh ta giỏi hơn ta, mặc dù anh ta có thể đã biểu lộ cảm giác ấy. Anh ta muốn biểu diễn nghệ thuật của mình và muốn nó được công nhận, cũng vậy, anh ta muốn gây ấn tượng bằng cách thử thách ta. Ngoài ra, có đối diện với những thử thách không thể đoán trước là tất cả những gì tinh túy của cung đạo và đấy chính xác là những gì mà anh ta cho phép ta làm ngày hôm nay”, Tetsuya trả lời cậu bé.

“Người ấy nói ông là tuyệt nhất, và chính cháu cũng không biết ông là một bậc thầy về bắn cung. Thế thì tại sao ông lại làm việc như một người thợ mộc?”

“Bởi vì cung đạo là để phụng sự cho mọi thứ xung quanh cuộc sống chứ không chỉ là bắn cung và giấc mơ của ta làm việc với gỗ. Hơn nữa, một cung thủ khi đã đi trên con đường cung đạo, thì không cần một cây cung, một mũi tên hay một mục tiêu nào nữa cả”

“Cung đạo là gì? Ông có thể dạy cháu được không?’

“Dạy thì không khó. Ta có thể làm điều đó trong chưa đến một giờ, trong khi chúng ta đang quay trở lại làng. Điều khó khăn là con phải thực hiện nó hàng ngày cho tới khi con đạt được sự chính xác cần thiết”

Tetsuya đi trong yên lặng khoảng gần mười lăm phút, và khi ông bắt đầu nói trở lại với một giọng trẻ trung hơn:

‘Hôm nay ta rất vui. Ta đã tôn kính người đàn ông mà rất nhiều năm trước đã cứu vớt cuộc đời ta và, bởi điều đó, ta sẽ dạy con tất cả những quy tắc cần thiết, nhưng ta không thể làm gì hơn. Nếu con hiểu những gì ta nói với con, con có thể sử dụng những lời dạy này như con mong ước. Con gọi ta là thầy. Một người thầy là gì? Ta sẽ nói rằng đó không phải là một ai đó dạy một điều gì đó, mà là người truyền cảm hứng cho học trò để họ làm được tốt nhất nhằm khám phá ra sự hiểu biết vốn đã có sẵn trong tâm hồn họ.’

Và Tetsuya bắt đầu giải thích về cung đạo cho cậu bé trên đường đi xuống núi.

Đức Lê dịch và phóng tác

Tiếng đàn guitar trong ngôi nhà thờ

Lê Anh Đức dịch và phóng tác từ tập truyện ngắn Like the Flowing River của nhà văn Paulo Coelho (Tác giả Nhà giả kim)

Bản Audio clip với giọng đọc của Phát thanh viên VOV Phạm Nguyễn Sơn Tùng

Ẩn mình giữa những chân đồi trồng nho của dãy núi Vosges, vùng Alsace, đông bắc nước Pháp, Colmar là một trong những thị trấn Trung Cổ được bảo tồn tốt nhất châu Âu. Trong thế chiến thứ 2, các khu vực lân cận bị ném bom và tàn phá, tuy nhiên Colmar vẫn được giữ nguyên vẹn. Mặc dù có lịch sử nhiều biến động với chiến tranh, hỏa hoạn, các tòa nhà ở Colmar vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính cho tới ngày nay. Colmar đặc trưng với những ngôi nhà nửa gỗ với sắc xanh, hồng, bạc hà và vàng hoa mai. Tất cả nằm ngay ngắn trên những con đường lát đá cuội dẫn tới con kênh hiền hòa. Đây là lần thứ hai Andy đến Colmar. Lần này, hai vợ chồng anh đến Colmar vào đúng ngày sinh của Andy.

Sau một ngày đi dọc các con phố cổ kính, Andy nói với vợ mình: “Lần trước sau khi tiễn em ra sân bay, anh đã quay lại đây phát hiện ra có một khu rừng nhỏ ở ngoại ô thị trấn. Anh đã đi bộ vài lần trong khu rừng và nó mang lại cảm giác rất nhàn nhã và thư thái. Em có muốn đi lại cùng anh lúc này không?”

Christina, vợ Andy, đồng ý và cả hai đi dạo trong khu rừng vào sớm mai. Trên con đường mòn xuyên qua cánh rừng, Christina nhìn thấy một căn nhà nhỏ nằm lẩn khuất dưới những tán cây rừng rậm rạp phía xa xa cuối con đường mòn, nàng hỏi Andy đó là gì.

“Đó là một căn mật thất”, Andy trả lời vợ một cách đầy bí hiểm. Anh với tay chỉ cho nàng thấy có một con đường mòn đi ngang qua căn nhà đó. Lần trước khi đến Colmar, anh hay đi dạo trên con đường mòn này, khi ấy căn nhà này lúc nào cũng cửa đóng then cài. Giờ đây, anh cảm thấy căn nhà trở nên quen thuộc với mình như những ngọn núi và những cánh đồng, anh có linh cảm rằng Chúa hiện hữu ở khắp mọi nơi và không nhất thiết phải đi hẳn vào bên trong một ngôi nhà chỉ để tìm Ngài.

Theo lẽ thông thường, trong suốt những chặng đi bộ dài, chúng ta thường thầm cầu nguyện, thầm lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên xung quanh và có đôi lúc chúng ta linh cảm rằng có một thế giới vô hình luôn luôn hiển hiện và song hành cùng với thế giới của chúng ta đang sống đây.

Quay lại với chuyến bách bộ của hai vợ chồng Andy. Sau nửa giờ đi bộ và leo qua những con dốc thoai thoải trên đường mòn, căn “mật thất” hiện ra trước mắt hai người giữa những lùm cây cối rậm rạp xung quanh và lúc này trong đầu cả hai đều nảy ra những câu hỏi: Ai đã xây căn nhà gỗ này, Lý do xây và Có phải căn nhà nhỏ này được cúng dường cho một vị thánh nào hay không?

Khi bước lại gần, họ nghe thấy tiếng nhạc du dương và một giọng hát trong trẻo tràn ngập không gian xung quanh. Andy nhớ lại lần trước anh cũng đã từng qua đây nhưng không nghe thấy bất kỳ âm thanh nào cả. Thật lạ lùng khi có một ai đó đang chơi nhạc chỉ để thu hút khách vãng lai với những bản nhạc đồng quê từ những năm 70 như vậy ư? Nhìn thấy cánh cửa ngôi nhà mở, hai vợ chồng Andy bước vào trong. Quang cảnh bên trong khiến Andy và Christina như lạc vào một thế giới khác vậy: Một không gian ấm cúng tràn ngập ánh sáng bình minh, một bức ảnh Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trên cây thánh giá, ba hàng ghế dài phía dưới và ở một góc nhà có một thiếu nữ khoảng 20 tuổi đang ngồi chơi guitar và hát, đôi mắt cô đang chăm chú nhìn vào hình ảnh trước mặt. Một cảm giác bồng bềnh như lạc vào chốn thiên đường tràn ngập tất cả. Cô gái trẻ dường như hiểu được những gì mà hai người khách lạ đang suy nghĩ, cô dừng chơi đàn trong ít phút và bắt đầu đọc lời cầu nguyện chúc phúc.

Lúc này Andy biết rằng mình đang trải qua một khoảnh khắc kỳ diệu khó quên trong cuộc đời. Lúc này đây, anh hoàn toàn trọn vẹn với thực tại, không có quá khứ, không có tương lai, chỉ có tiếng nhạc tràn ngập không gian trong một buổi sáng với ánh nắng chan hòa chiếu khắp phòng và lời nguyện cầu đầy bất ngờ. Andy và Christina bước đến hành lễ, một cảm giác biết ơn tràn ngập cơ thể hai người, biết ơn cuộc đời này, biết ơn khoảnh khắc này, biết ơn ánh nắng sớm mai kia và biết ơn nàng thiếu nữ.

Sau những giây phút rung động đó, cô gái trẻ ngừng chơi guitar. Hai vợ chồng Andy đứng dậy và cảm ơn cô vì tất cả, anh ngỏ lời muốn tặng cô một món quà để cảm ơn buổi sáng tốt lành hôm nay. Cô nói rằng mình đến căn nhà này hàng sáng và đây là cách mà cô cầu nguyện cho chính mình, cho những vị khách bất chợt ghé thăm chứ thực sự không muốn nhận bất kỳ món quà nào cả. Andy nài nỉ một hồi, cuối cùng cô cũng đưa cho anh địa chỉ một tu viện nơi cô đang sống ở thị trấn.

Ngày hôm sau, Andy gửi tặng cô một cuốn sách anh vừa viết và nhận được thư trả lời, trong thư cô nói, ngay sau khi hai vợ chồng về, cô cũng trở lại tu viện với niềm vui ngập tràn tâm hồn bởi vì đã có hai người khách lạ đến chia sẻ không gian và khoảnh khắc linh thiêng đó với mình và cùng chia sẻ những khoảnh khắc kỳ diệu trong cuộc đời.

Trở lại nhà sau chuyến đi, Andy tự nói với mình rằng Chúa ở khắp quanh chúng ta và trong chính những sự đơn giản nhất của cuộc đời, đó là sự đơn giản trong không gian căn nhà nhỏ, trong giọng hát trong trẻo của cô gái và trong ánh nắng ban mai chiếu đến mọi ngóc ngách của căn nhà!

Lê Anh Đức dịch và phóng tác

Chiến lược doanh nghiệp trong công cuộc tái lập hình ảnh cho giai đoạn bình thường mới

COVID-19 không chỉ là một đại dịch mà còn là một thách thức nhân đạo có tác động dài hạn đến cách chúng ta sống, làm việc và giải trí. Chỉ trong có vài tuần, cuộc sống của mọi người đã thực sự đảo lộn theo nhiều cách mà họ không thể nào hình dung nổi. Chúng ta không còn gặp gỡ nhau, làm việc, đi ăn, đi mua sắm và tham gia các hoạt động xã hội cùng nhau như trước kia nữa. Thế giới vốn bận rộn với guồng quay của các hoạt động kinh doanh như trước đây giờ chuyển sang một thế giới “trầm tư” hơn với du lịch hạn chế, văn phòng đóng cửa, làm việc ở nhà “lên ngôi”. Thay vì đi du lịch đó đây và đi ăn tại các nhà hàng, người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới bắt đầu thắt chặt chi tiêu, chỉ chi tiêu vào những gì thiết yếu nhất: Thực phẩm thiết yếu, Thuốc men và các đồ dùng gia đình cần thiết và những mặt hàng này cũng được giao dịch và phân phối nhiều hơn trước kia.

Giãn cách xã hội đã thay đổi trực tiếp cách mà mọi người sinh sống và tương tác với nhau với khoảng cách địa lý và những tác động sâu sắc của đại dịch đã làm nhu cầu về bất động sản giảm đáng kể lần đầu tiên trong xã hội hiện đại. Điều này cũng đang tạo ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong những ngành như Du lịch, Xây dựng, Bất động sản, Vật liệu xây dựng…. Không chỉ là những khó khăn và thách thức trong trung hạn, một khi cuộc khủng hoảng càng kéo dài, chúng ta sẽ càng nhận thấy những thay đổi dài hạn và sâu sắc trong hành vi người tiêu dùng.

Để ứng phó với mối đe dọa trước mắt và lâu dài do khủng hoảng COVID-19 đưa lại, và đặt nền móng vững chắc, chuẩn bị cho những thay đổi lâu dài của ngành sau khủng hoảng trong thời kỳ bình thường mới, các lãnh đạo doanh nghiệp trong các ngành cần phải hành động ngay. Một số sẽ ưu tiên tập trung vào quản lý dòng tiền để nâng cao năng suất/hiệu suất và điều chỉnh cách lập danh mục dự án/đầu tư và các quyết sách chi tiêu vốn. Một số khác sẽ bắt đầu cảm cần thiết phải đưa các ứng dụng số hóa vào quy trình và cung cấp những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.

Một điều chắc chắn rằng thế giới trông sẽ khác nhiều khi chúng ta bước vào thời kỳ bình thường mới sau đại dịch COVID-19. Trong Newsletter số 1 tháng 4 của Vietnam Report, chúng tôi đã nhắc đến mô hình 5R để giúp doanh nghiệp nhận diện vấn đề, gia tăng sức chịu đựng và phục hồi trong thời kỳ hậu khủng hoảng. Trong bài viết này chúng ta sẽ bàn đến chữ R thứ 4 (Tái lập hình ảnh – Reinmagining) trong mô hình 5R có thể giúp lãnh đạo doanh nghiệp có tầm “nhìn xa trông rộng” trong khủng hoảng và bắt đầu kế hoạch cho một thời kỳ bình thường mới.

1. 5 nguyên tắc cốt lõi để doanh nghiệp hoạt động tốt trong thời kỳ bình thường mới

1.1. Nâng cao vị thế doanh nghiệp, củng cố niềm tin và sự gắn kết với khách hàng và nhân viên

Trước hết, các doanh nghiệp và người lãnh đạo phải có trách nhiệm bảo vệ sự an toàn và sức khỏe cho tất cả mọi người bằng bất cứ giá nào. Đối với những doanh nghiệp có tên tuổi trong ngành, truyền thông nội bộ và truyền thông ngoài doanh nghiệp để tiếp cận với cả nhân viên và khách hàng là cần thiết, một mặt giúp hiểu rõ nhu cầu của khách hàng trong thời điểm này, mặt khác giúp bảo vệ nhân viên và khách hàng trong hệ sinh thái của mình. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra những thay đổi trong hành vi của khách hàng và doanh nghiệp cũng cần tính đến các khả năng này. Truyền thông dưới thương hiệu công ty thay vì thương hiệu sản phẩm sẽ trở nên phổ biến hơn và giúp gia tăng nhận diện thương hiệu. CEO và đội ngũ quản lý cấp cao có thể họp nhóm với các giám đốc khối tài sản, giám đốc khối bất động sản và đưa ra các cam kết trực tiếp với khách hàng, sau đó nên triển khai nhanh nhất các cam kết đó. Đây không chỉ là những việc cần phải làm mà cũng thể hiện uy tín của doanh nghiệp luôn giữ đúng cam kết với khách hàng, nhờ vậy khách hàng sẽ ghi nhận những nỗ lực này và thương hiệu doanh nghiệp, niềm tin của khách hàng được xây dựng thông qua giai đoạn khủng hoảng sẽ được phát triển và ổn định hơn bao giờ hết.

1.2. Tập trung quản trị dòng tiền

Trong bối cảnh chưa đánh giá hết được mức độ trầm trọng của đại dịch, đội ngũ quản lý cấp cao nên đưa ra các quyết định và hướng dẫn mang tính tập trung hóa hơn trong công tác quản trị dòng tiền ở tất cả các phân khúc thị trường bên cạnh các hạn mức tín dụng và các quyết định về kinh doanh ở phạm vi toàn doanh nghiệp. Tất cả các cấp quản lý nên xác định rõ các đòn bẩy tài chính nào hiệu quả và khi nào nên sử dụng dựa trên thực tiễn thị trường và kinh doanh nói chung.

1.3. Đưa ra các quyết định kịp thời, có tính tùy biến cao tùy thuộc tình hình thực tế, đặc biệt trong vấn đề giãn tiến độ trả nợ cho khách hàng

Trong bối cảnh những giả thuyết đang cho rằng tác động kinh tế của đại dịch đang có chiều hướng giảm, các phản ứng chính sách của các thành phố, quốc gia, địa phương sẽ không tương đồng trong các danh mục đầu tư. Ngay cả với một loại hình đầu tư cụ thể, nhu cầu cũng khác nhau với từng khách hàng. Nhờ có sự đa dạng hóa của dữ liệu phân tích hành vi người dùng, kể cả các dữ liệu phân tích các kịch bản kinh tế và dịch tễ học, các doanh nghiệp có thể đưa ra các phân tích hành vi người mua bất động sản và tác động của khủng hoảng lên từng khách hàng cá nhân. Điều này sẽ giúp đưa ra các quyết định hướng mục tiêu tốt hơn thay vì biện pháp cùng một quyết định cho tất cả phân khúc khách hàng.

1.4. Mở đường chuẩn bị cho các ứng dụng công nghệ số

Trước khủng hoảng, một số ngành như bất động sản đã dần chuyển sang các quy trình số hóa và tạo ra các dịch vụ cho phép sử dụng công nghệ số với khách hàng. Tác động của đại dịch càng làm trỗi dậy xu hướng này trỗi dậy một cách mạnh mẽ hơn. Sử dụng công nghệ sẽ ngày càng trở nên phổ biến trong thị trường bất động sản, trong đó các sản phẩm công nghệ cao chính là công cụ được tận dụng tối ưu nhất trong lĩnh vực bất động sản, bao gồm tìm kiếm khách hàng, tìm kiếm bất động sản, quản lý kinh doanh bất động sản…..

1.5. Định hình tương lai của ngành

Khi khủng hoảng bắt đầu lắng xuống và qua đi, các chu trình rà soát chiến lược nhằm hiểu được thị trường sẽ thay đổi ra sao và định hình thế nào là điều cần thiết. Tuy nhiên, thay vì dựa trên các phương pháp khảo sát khách hàng và các phương pháp kinh tế học truyền thống, các lãnh đạo doanh nghiệp nên mở rộng phạm vi tìm kiếm qua các nhà tâm lý học, xã hội học, dự đoán học và chuyên gia công nghệ. Chỉ có vậy mới tìm thấy xu hướng và triển vọng mới của thị trường.

2. 7 hành động cụ thể trong quá trình tái lập hình ảnh thời kỳ bình thường mới. Trường hợp cụ thể đối với các doanh nghiệp ngành Xây dựng – Bất động sản

2.1. Thúc đẩy các sản phẩm mới hoàn toàn và ứng dụng số hóa trong quy trình. Không có nhiều thời gian để vạch ra các lộ trình hoàn hảo. Thay vì vậy, các công ty cần phải kích hoạt hệ thống làm việc từ xa. Đối với các nhà thầu, điều này nghĩa là tăng sự phối hợp từ xa trong các công đoạn sản xuất sử dụng mô hình số hóa hoặc tối thiểu hóa nhân sự làm việc trực tiếp. Các công ty phân phối, môi giới, đại lý cũng nên bắt đầu áp dụng các mô hình kinh doanh tối thiểu hóa tiếp xúc trực tiếp, tận dụng các mô hình thương mại điện tử trong đó đội ngũ kinh doanh có thể làm việc và xử lý các hợp đồng khách hàng, chốt doanh số và đơn hàng từ xa với sự hỗ trợ của các công cụ số hóa. Các nhà cung cấp vật liệu xây dựng có thể cập nhật phần mềm BIM, tiếp cận thị trường qua thương mại điện tử cũng như phương thức bán hàng từ xa.

2.2. Phát triển văn hóa và các kỹ năng cần thiết để làm việc trong thời kỳ bình thường mới. Duy trì sự cân bằng giữa làm việc và sức khỏe là cần thiết dù trong bất kỳ thời điểm nào và còn quan trọng hơn trong thời kỳ đầy biến động như hiện nay. Các công ty trong ngành nên phát triển các góc cạnh văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh mới một cách hợp lý để không chỉ làm giảm thiểu các rủi ro của việc làm việc từ xa mà còn làm giảm thiểu mối e ngại của nhân viên liên quan đến an toàn và năng suất trong công việc. Cũng vậy, đây chính là thời điểm tốt nhất để đào tạo nội bộ các kỹ năng cần thiết và các công cụ mới cần thiết cho công việc.

2.3. Xây dựng Đội ngũ rà soát, kiểm tra đối với các danh mục dự án/đầu tư. Trong bối cảnh giá cả xây dựng có thể chịu nhiều sức ép, các công ty nên sử dụng quy mô tổng thể của mình để tránh bị ảnh hưởng. Sẽ có nhiều thách thức trong việc phân bổ nguồn lực trong ngành trong một vài tháng tới. Điều này sẽ liên quan ít nhiều đến việc phải lựa chọn hay là sự đánh đổi giữa các dự án và tài sản và sẽ dựa phần lớn vào dữ liệu chính xác xuyên suốt các danh mục dự án/đầu tư. Do vậy, các công ty nên thiết lập đội ngũ giám sát, rà soát trung tâm để có thể nhanh chóng phát hiện và ứng phó với các nhu cầu phân bổ nguồn lực cần thiết. Ngoài các đánh giá mang tính hệ thống về các hạng mục dự án có thể chịu tác động của COVID-19, các hạng mục và năng lực liên quan đến tính minh bạch theo thời gian thực của tiến độ dự án, tồn kho nguyên vật liệu, các nhà thầu phụ, các dịch vụ và chi phí nên được phát triển. Những công ty nào tăng được tính minh bạch giữa các hạng mục dự án sẽ được chuẩn bị tốt hơn để tối ưu hóa nguồn lực trong thị trường.

2.4. Gia tăng năng lực phục hồi của chuỗi cung cấp. Đa số các doanh nghiệp trong ngành đã rà soát lại chuỗi cung cấp của họ và đánh giá lại sự đứt gãy do đại dịch. Và đây là thời điểm để các doanh nghiệp tìm kiếm các phương án để cung cố như chuẩn bị hàng tồn kho, dự trữ; xác định các kênh phân phối bổ sung; tuyển dụng lao động trực tiếp để thay thế các nhà thầu phụ. Động thái này có thể dẫn đến sự hợp nhất và tích hợp theo chiều dọc nhiều hơn của chuỗi giá trị không chỉ để tối thiểu hóa rủi ro mà còn định hình năng suất trong tương lai. Trên thực tế, chính những thực tiễn công việc nhiều cấp độ và phân mảnh như ngày nay đã cản trở đáng kể những thay đổi trên diện rộng về cách thức làm việc, về sự phát triển các công cụ số hóa, các đầu tư chiến lược và R&D.

2.5. Phân bổ lại nguồn vốn và các nguồn lực khác. Để ổn định sau khủng hoảng, các doanh nghiệp trong ngành phải có chiến lược tối ưu hóa các hoạt động kinh doanh của mình. Trong nhiều trường hợp, ứng phó với COVID-19 lại mang đến những cơ hội bất ngờ để thực hiện các chuyển đổi mà vốn trước đây đã không thực hiện được. Việc phân bổ có thể sẽ khác nhau trong suốt chuỗi cung cấp, tuy nhiên doanh nghiệp có thể chủ động chọn nơi để phân bố nguồn vốn, các nguồn lực khác và năng lực theo cách thức tiết kiệm và hợp lý nhất. Ví dụ gia cố cho các phân khúc thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao trong tương lai bằng cách gia tăng vốn và phân bổ lại năng lực tổ chức hoặc làm sắc nét mô hình kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp bằng cách bỏ đi có chọn lọc các lĩnh vực kinh doanh khác. Tùy vào mức độ của việc phân bổ nguồn lực mà nên cân nhắc sử dụng cả các yếu tố đòn bẩy trong và ngoài doanh nghiệp.

2.6. Xác định các cơ hội để chuyển sang hình thức xây dựng tiền chế. Các nhà cung ứng và các nhà thầu phụ nên xác định rõ các yếu tố và hệ sinh thái phụ thuộc để phát triển mô hình xây dựng tiền chế. Xét về dài hạn, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm các yếu tố quan trọng trong phát triển mô hình xây dựng lắp ghép hoặc xây dựng tiền chế. Sự dịch chuyển như vậy có thể giúp các nhà sản xuất vật liệu xây dựng cùng phối hợp để thiết kế ra các tính năng sản phẩm mới đẩy nhanh tiến độ công trình. Ngoài ra, xây dựng tiền chế còn góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc giảm rác thải nguyên vật liệu, tiếng ồn và bụi không khí.

2.7. Thân thiện hơn và giữ mối quan hệ chặt chẽ hơn với khách hàng. Sở thích và hành vi tiêu dùng của khách hàng đang trải qua những thay đổi từng bước – hướng đến mua bán trực tuyến, làm việc từ xa và một cộng đồng bền vững hơn. Chưa biết có thể còn có những xu hướng và thay đổi nào nữa không, nhưng những thay đổi này sẽ dần trở nên quen thuộc với khách hàng trong giai đoạn sau khủng hoảng COVID-19. Do vậy, quan trọng hơn bao giờ hết là phải thân thiện và và giữ mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng cả hiện tại và tương lai.

Ducle lược dịch từ:

https://www.mckinsey.com/industries/capital-projects-and-infrastructure/our-insights/how-construction-can-emerge-stronger-after-coronavirus

https://www.mckinsey.com/industries/private-equity-and-principal-investors/our-insights/commercial-real-estate-must-do-more-than-merely-adapt-to-coronavirus

(Lê Anh Đức – lược dịch: Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn)

Một ngày ở nhà máy

Bài dịch của Mr. Đức Lê

Mức độ hào phóng của người giàu ở Mỹ – Một miếng khi đói bằng một gói khi no!

Sự hoài nghi hoặc thậm chí thái độ thù địch hay chĩa vào các tỷ phú khi họ xắn tay làm từ thiện. Tháng 4 vừa qua, tỷ phú Jeff Bezos – ông chủ của Amazon, đã hỗ trợ 100 triệu USD cho các Ngân hàng thực phẩm ở Mỹ (Food bank – ngân hàng thực phẩm là nơi cung cấp đồ ăn miễn phí cho người nghèo ở Mỹ). Tuy nhiên, thay vì tán dương Bezos, nhiều người lại xúm vào chỉ trích tỷ phú này đã cho quá ít hoặc Bezos làm thế chỉ để hướng dư luận không chú ý đến những hành vi đối xử bóc lột với chính nhân viên của mình. Đến thời điểm hiện đã có hơn 1 tỷ USD tiền hỗ trợ từ các cá nhân trên khắp nước Mỹ chung tay hỗ trợ vượt qua đại dịch Covid-19 tuy nhiên đại dịch cũng là cơ hội để cho những người cực đoan xúm vào xỉa xói, mỉa mai và công kích giới tỷ phú. Nhưng nghiên cứu mới đây đã cho thấy luận điểm chỉ trích theo chiều hướng là những người giàu có đang cho đi ít hơn rất nhiều so với thu nhập của họ là hoàn một luận điểm hoàn toàn sai lầm.

Trong một bài nghiên cứu mới công bố tuần này của Đại học A&M Texas trong đó có sử dụng dữ liệu từ 10,665 hộ gia đình Mỹ từ năm 2001 đến 2007 có đưa ra nhận định về Tính hào hiệp/hào phóng dựa trên ba thước đo: Mức độ sẵn sàng cho tiền; Số lượng tiền cho đi và Tỷ lệ giữa lượng tiền cho đi so với thu nhập.

Kết quả nghiên cứu cho thấy người giàu sẵn sàng mang tiền làm từ thiện, thậm chí nhiều là đằng khác. Trong số 5% top đầu về thu nhập của cơ cấu mẫu – tương ứng với mức thu nhập hơn 233,400 USD/năm – có đến 91% làm từ thiện ít nhất một lần trong năm. Cũng vậy, trong 5% số hộ gia đình có thu nhập thấp nhất từ dưới lên – tương ứng với mức thu nhập dưới 11,200 USD/năm – tỷ lệ làm từ thiện tương ứng là 22%. Trung bình mỗi người trong nhóm 5% top đầu làm từ thiện 6,500 USD/năm và tỷ lệ tương ứng của 5% từ dưới lên là 110 USD/năm (Xem hình minh họa phía dưới)

Tỷ lệ giữa số tiền làm từ thiện với mức thu nhập của hai nhóm này (nhóm 5% người giàu nhất và nhóm 5% người có thu nhập từ dưới lên) lại khá giống nhau. Nhìn chung hầu hết các hộ gia đình chi ra khoảng 1.5% so với mức thu nhập của họ để làm từ thiện mặc dù có sự khác biệt trong nhóm top đầu (tỷ lệ 1.7%) và nhóm cuối (tỷ lệ 2%).

Còn đối với giới siêu giàu? Mặc dù cơ cấu mẫu rất ít để có thể đưa ra kết luận chắc chắn tuy nhiên, sử dụng dữ liệu từ cơ quan Thuế của Mỹ, các tác giả nhận thấy rằng những người trong giới siêu giàu sở hữu nhà trong khoảng 5 – 10 triệu USD, một năm chi ra khoảng 4.3% thu nhập để làm từ thiện và những người có thu nhập tối thiểu 10 triệu USD/năm thường chi 8.6% để làm từ thiện.

Quyết định làm từ thiện thường phản ánh mục đích và đôi khi có thể là lợi ích của người làm. Theo nghiên cứu trên, nhóm người giàu hơn thường chi tiền từ thiện nhiều cho các tổ chức hoặc sự kiện liên quan đến giáo dục và nghệ thuật và ít hơn cho các sự kiện, tổ chức liên quan đến tôn giáo so với nhóm những người nghèo. Số liệu nghiên cứu cho thấy những hộ gia đình giàu có họ chi ra 33% cho mục đích tôn giáo và 11% cho mục đích giáo dục & nghệ thuật trong khi nhóm những người nghèo chi 44% cho tôn giáo và chỉ 5% cho giáo dục và nghệ thuật. Ngoài ra, đối với các mục đích tài trợ từ thiện cho các nhu cầu cơ bản và y tế đều có tỷ lệ 16% và 8% với cả nhóm giàu và nhóm người nghèo (Xem hình minh họa dưới đây)

Các tỷ phú như Bezos sẽ còn phải đối mặt với nhiều soi mói và chỉ trích. Ngay cả khi họ làm từ thiện nhiều tiền đi chăng nữa, thì các nhà chỉ trích họ cũng dựa vào hai luận điểm để bắt bẻ: thứ nhất là những người giàu nhất luôn có đủ khả năng để cho đi nhiều hơn (tiền không bao giờ là đủ!) và thứ hai là dù hào phóng nhiều bao nhiêu cũng không che đậy được sự bất bình đẳng mà đại dịch covid-19 đã gây ra!

Ducle lược dịch từ bài viết https://www.economist.com/graphic-detail/2020/05/06/how-generous-are-americas-rich

(Lê Anh Đức – lược dịch: Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn)